VIẾT VỀ NGÀY 20-11: NHỮNG NGƯỜI THẦY VÙNG LŨ

VIẾT VỀ NGÀY 20-11: NHỮNG NGƯỜI THẦY VÙNG LŨ

Năm 2020 với rất nhiều những biến động và thử thách xảy đến với toàn thế giới. Riêng ở Việt Nam chúng ta thì dường như mọi khó khăn lại nhân lên bởi chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid - 19 mà còn liên tiếp hứng chịu các cơn bão và siêu bão ập vào miền Trung thời gian qua.

Thiên tai, dịch bệnh vẫn hoành hành dẫn đến sự suy giảm của nền kinh tế, nhiều lĩnh vực khác như văn hóa giáo dục, y tế...đều chịu ảnh hưởng. Trong đó có thể kể đến tác động của việc học và dạy ở trường.

Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11 năm nay có lẽ sẽ là một năm ghi nhiều kỷ niệm đối với các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh. Nhất là đối với các tỉnh miền Trung, khi chính các trường học cũng phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão. Việc dạy và học bị ngừng trệ, sau bão, những người thầy người cô lại cùng nhau xắn quần áo tát nước dọn trường đón học sinh trở lại. Đối với họ, khó khăn có thể tạm thời phải xa nhau nhưng trong lòng vẫn hướng về nhau. Khó khăn có thể làm ngôi trường bị thiệt hại nhưng ý chí giúp họ vượt qua tất cả để con chữ, tiếng cười của bao lớp học trò vẫn luôn sôi nổi nơi góc sân trường.

Trong mưa lũ, người ta vẫn thấy tình thầy trò luôn ấm áp, nồng nàn. Người ta vẫn thấy có một thầy hiệu trường tự gọi là "thầy giáo làng" viết thư động viên học trò của mình vượt qua mưa bão đến trường:

"Thân gửi các em học sinh!

Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở - dù không còn nhiều để xếp - chuẩn bị ngày mai đi học trở lại.

Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!......" 

Đoạn trích từ bức thư của thầy hiệu trưởng ở vùng tâm lũ Quảng Bình gửi cho học sinh và những hồi đáp xúc động của học trò dành cho thầy. Bão chồng bão, lũ chồng lũ nhưng có lẽ ở miền Trung quê hương vẫn luôn đầy ắp tình người, đầy ắp hơi ấm động viên nhau vượt qua khó khăn. Sự tích cực và lạc quan trong bức thư của thầy giáo ấy vẫn luôn là động lực cho các học sinh và cả phụ huynh.

Người miền Trung, đất miền Trung vẫn sẽ luôn rắn rỏi, bền lòng bền chí bởi khó khăn có bao giờ làm họ nản lòng. Và học trò miền Trung vẫn hàng năm đỗ thủ khoa vào các trường đại học top đầu cả nước cũng bởi sự ham học và được rèn luyện từ chính những người thầy người cô ấy.

"Không sao hết miền Trung ạ" - nhiều người dân vẫn nói câu ấy và học trò miền Trung cũng vậy. Họ chọn lạc quan để bước qua khó khăn. Mùa 20/11 năm nay, có lẽ đối với các trường học vẫn còn từng bước khắc phục hậu quả mưa lũ, có thể các em học sinh còn tạm thời ngồi học ở những mái nhà tạm bợ, và các thầy cô còn dạy học trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất .....nhưng "không sao hết", chúng ta học bởi ý chí, bởi nghị lực và bằng bài học thực tế vượt lên thử thách. Chính lúc này, bài học và lời dạy của các thầy cô sẽ được lưu giữ và trân quý hơn bao giờ hết.

Hướng đến ngày kỷ niệm 20/11, Mắt kính Việt Long kính chúc các thầy cô giáo trên cả nước, đặc biệt là thầy cô ở miền Trung thật nhiều sức khỏe, thật nhiều năng lượng và niềm vui để luôn truyền lửa đến bao thế hệ học trò. Gửi lời cảm ơn đến thầy cô bằng tất cả sự trân trọng và kính mến. Họ thực sự là "những người lái đò thầm lặng" mang con chữ đến từng ngỏ ngách, miền quê trên đất nước Việt Nam.

Hình minh họa: Internet

MẮT KÍNH VIỆT LONG

← Bài trước Bài sau →